Nhà quản lý trong mỗi doanh nghiệp là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác, một nhà quản lý tài năng chính là người truyền cảm hứng và là tấm gương điển hình để nhân viên noi theo. Ngược lại, một nhà quản lý không tốt sẽ làm cấp dưới của họ thất vọng – và những nhân viên không hài lòng với sếp của mình thường không gắn bó lâu dài với công ty.

Hãy cùng L & A điểm qua 4 lý do phổ biến nhất khiến những nhân viên tài năng rời bỏ một người “sếp tồi”:

1. Quá thường xuyên hoặc không bao giờ đưa ra góp ý với nhân viên của mình

Gần đây The Predictive Index® – một công ty chuyên về nhân sự tại Mỹ đã tiến hành một khảo sát trên 5,103 nhân viên về quản lý của họ. Kết quả cho thấy những nhà quản lý tuyệt vời sẽ là người biết cách đưa ra một lượng góp ý vừa đủ với nhân viên của họ.
Như bạn có thể thấy bên dưới, những quản lý “đưa ra một số lượng góp ý vừa đủ” được đánh giá khá cao – vào khoảng 8.6 trên thang điểm 1 đến 10. Và, những quản lý không đưa ra bất kỳ góp ý nào được điểm khoảng trung bình là 4.2. Đồng thời, những quản lý đưa ra quá nhiều góp ý cũng chỉ nhận được khoảng 4.5 điểm.

Nếu bạn không chắc chắn về số lượng góp ý bạn đưa ra với nhân viên đã phù hợp hay chưa, hãy trực tiếp gặp mặt và thẳng thắn đặt câu hỏi với họ. Hoặc, nếu bạn nghĩ nhân viên của bạn không dám nói thật thì hãy xem xét đến việc gửi một khảo sát nhanh mà nhân viên của bạn có thể trả lời giấu tên.
Bằng cách so sánh 2 kết quả của “Tôi nhận được một số góp ý, nhưng không nhiều” (6.5) với “Tôi nhận được nhiều góp ý hơn tôi tưởng” (7.1) thì ta có thể nhận ra sự chênh lệch giữa chúng. Qua đó, có thể thấy rằng việc nhận được nhiều góp ý bao giờ cũng sẽ tốt hơn việc nhận được ít góp ý từ người quản lý.

2. Không đầu tư vào yếu tố con người

Cũng theo nghiên cứu trên thì một trong những đặc điểm phổ biến nhất của một người “sếp tồi” chính là “Không quan tâm đến công việc và sự phát triển chuyên môn của nhân viên.” Nhân viên làm việc toàn thời gian thường dành xấp xỉ một phần tư cuộc đời của họ tại nơi làm việc. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi sự nghiệp và sự phát triển bản thân là ưu tiên hàng đầu của hầu hết mọi người.

Thống kê của Facebook cho thấy rằng học hỏi để phát triển bản thân chính là động lực hàng đầu của những nhân viên trong độ tuổi từ 54 trở xuống và là mục tiêu quan trọng nhất của những người trong độ tuổi khoảng 25-34.
Để giữ chân được những nhân viên tài năng, đặc biệt là những người ở giai đoạn đầu và giữa sự nghiệp, nhà quản lý cần tạo điều kiện cũng như cung cấp thêm các cơ hội để nhân viên có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong công việc. Công ty cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hoặc cho phép và khuyến khích nhân viên tham dự các hội thảo chuyên ngành trong thời gian làm việc. Những nhân viên tài năng sẽ thật sự “chín muồi” và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của công ty khi đã học hỏi đủ các kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Vậy nên, nhà quản lý cần thấu hiểu, ủng hộ mạnh mẽ và tiếp tục nuôi dưỡng những mong muốn của nhân viên.

3. Không có mục tiêu rõ ràng

Những người giỏi sẽ luôn đặt cho mình những mục tiêu cả trong công việc và trong cuộc sống, và khi quản lý của họ lại không phải là những người có mục tiêu rõ ràng thì sẽ dễ dàng khiến họ nản lòng với công việc từ đó dẫn đến tỷ lệ thôi việc ngày càng tăng cao.

Gallup – viện thăm dò dư luận lớn nhất thế giới có trụ sở đặt tại Mỹ, đã nghiên cứu dữ liệu ở khoảng 7,272 người và nhận thấy rằng một phần hai trong số họ nghỉ việc là vì có một người “sếp tồi”. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự rõ ràng của các mục tiêu cũng rất quan trọng đối với hiệu suất làm việc của nhân viên.

Đúng là không đủ khi chỉ đưa cho ai đó bản mô tả công việc hoặc chỉ trao đổi nhanh về các công việc họ cần làm. Thay vào đó, lãnh đạo nên giúp nhân viên của mình đặt ra các mục tiêu rõ ràng sau đó nói về các thành tích hướng đến và quá trình phát triển để đạt được nó.

Thêm vào đó, các lãnh đạo cũng nên đặt ra những mục tiêu rõ ràng trong quy trình làm việc của nhân viên để giảm thiểu những tranh cãi xảy ra. Thiết lập mục tiêu là một công việc rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất làm việc của nhân viên vì khi nhân viên có mục tiêu rõ ràng thì họ sẽ làm việc có định hướng, mang đến những kết quả khả quan. Với tư cách là nhà quản lý, bạn cần chắc chắn rằng tất cả nhân viên đều nắm rõ mục tiêu của nhóm và mỗi cá nhân đều phải cùng đồng lòng để đạt được mục tiêu đã đề ra.

4. Thiên vị

Những nhân viên làm việc đạt năng suất cao thì chắc chắn sẽ được yêu thích. Họ có các hợp đồng lớn, luôn đảm bảo thời gian và khi làm việc luôn làm vừa ý người khác. Song song với đó, những người quản lý tốt là những người luôn đối xử công bằng với tất cả nhân viên. Ngược lại, những quản lý tồi thì lại đối xử thiên vị với một số cá nhân mà họ thích. Sự thiên vị đó khiến những nhân viên còn lại mất đi nhiệt huyết trong công việc và có những tác động tiêu cực đến tinh thần đồng đội và văn hóa công ty.

Với tư cách là một nhà quản lý, bạn phải thừa nhận rằng khi bạn thiên vị thì chính là bạn đang “đùa với lửa”. Hãy chú ý đến cách người khác bình luận về việc bạn làm và thực hiện các hành động có ích để tạo nên một bầu không khí hòa đồng hơn. Một nhà quản lý giỏi là người hoàn thành tốt những công việc quan trọng nhưng một nhà lãnh đạo xuất sắc ngoài việc hoàn thành tốt công việc còn biết quan tâm đến nhân viên của mình. Hãy tạo cơ hội để nhân viên được nói lên những ý kiến cá nhân, những nguyện vọng cũng như tạo sự kết nối giữa các nhân viên, khen thưởng nếu nhân viên đạt được những thành tích tốt để không ai cảm thấy mình không được đánh giá cao và là người thừa trong nhóm.

Trên đây là 4 dấu hiệu cơ bản và rõ ràng nhất mà L & A đã liệt kê ra để nhận biết một người “sếp tồi” khiến nhân viên không muốn gắn bó lâu dài. Vậy nên, ngoài việc chú trọng phát triển năng lực bản thân thì người quản lý tốt cần trang bị cho mình năng lực quản lý của người lãnh đạo và tránh 4 đặc điểm trên để không mất đi những nhân viên tài năng.

Theo: The Predictive Index

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.